Trải nghiệm & Mua sắm

Địa điểm tham quan

Chùa Kim Trúc làng Bát Tràng

  • 9349
  • 0

 

Chùa Kim Trúc xưa, là ngôi chùa chính ở cuối làng, thường gọi là chùa Bát, là một ngôi chùa to đẹp của vùng Kinh Bắc. Tên chùa được tạc trên phiến đá xanh lớn, còn lưu giữ được là "Kim Trúc Tự" nghĩa là "Chùa vàng nước Thiên Trúc". Theo các hàng cổ tự, ta được biết: chùa được đại tu vào thời Lê Thuần Tông - Long Đức Thứ Tư, hoàn thành đời Lê Ý Tông - Vĩnh hựu Nguyên niên (1734 - 1735) bao gồm các hạng mục bề thế, nguy nga, gồm Thượng Điện, Tiền Đường, Thiêu Hương, Tam Quan, Gác chuông, nhà Tổ, nhà Tăng.. 

     Năm 1942, một phần chùa Bát bị lở xuống sông. Năm 1958, khi đào đại thủy nông Bắc Hưng Hải, chùa phải dỡ, phế tích được chuyển vào chùa Am. Năm 1999, bằng sức dân, làng phục dựng “Kim Trúc Tự” theo hình bóng ngôi chùa xưa kia và kết hợp hài hòa với chùa Am (Tập Phúc Am) trở thành cụm công trình di tích văn hóa, tôn giáo, để dân làng, và Phật tử thập phương về tụng kinh, niệm Phật, cầu quốc thái, dân an, làng nghề hưng vượng. 

     

Kim Trúc Tự ngày nay, có các hạng mục: Chùa chính hình chữ công, gồm Tiền đường nối Thượng điện bằng Thiêu hương. Tiền đường có 5 gian 2 dĩ, có hiên rộng, đỡ mái bằng 6 cột đá, khắc câu đối . có 2 hộ pháp, có đại tự “Bảo Minh Điện”. Thượng điện thờ Phật được bố cục thành nhiều lớp. Nối tiền đường với nhà Tổ là hai hành lang, thờ Thập Bát La Hán, mái ngói, nếp gỗ, gác trên cột đá, mặt cột chạm khắc nhiều câu đối có giá trị, lược khảo vài đôi trong tổng số hơn 40 vế đối còn lưu giữ:

             "Không có hai cửa pháp, máy thần luôn đóng mở

                   Cả nghìn thế giới lớn chỉ dốc lòng quy y"

            "Lẫm liệt uy nghi, tạo thành khí thiêng của đất, chất hào kiệt con người

             Muôn phần huyền diệu, đúc lên của báu của trời, tinh hoa của muôn vật"

    Kim Trúc Tự, còn nhiều hiện vật cổ rất có giá trị, đó là:

   Hiện vật đá: Có lư hương, phiến đá xanh khắc tên chùa, cột đá, khánh đá.

  Hiện vật đồng, là 3 quả chuông: Bé nhất là chuông”Kim Trúc Tự Chung”, đúc năm 1852, đời vua Tự Đức. “Hoàn Quang Đức Chung”đúc năm 1892, đời vua Thành Thái. Quả chuông đồng lớn nhất có tên "Bảo Minh Tự chung". Bảo Minh là nguồn sáng quý báu. Thân chuông có ghi: bài minh văn, nghĩa là: "Chuông của làng Bát Tràng, Huyện Gia Lâm, Phủ Thuận Thành, xứ Kinh Bắc. Đúc năm Ất Mão - đời vua Cảnh Thịnh Thứ ba (1795) do cụ Trần Khắc Cung đứng Hưng công, cụ Tiến Sỹ Lê Danh Hiển người làng Bát Tràng soạn bài Minh văn, cụ Phạm Trọng Diễn chép, và cụ Nguyễn Đình Hào khắc lên chuông..” Tuy bị mòn, mờ nhiều nhưng vẫn có thể đọc được tên hàng trăm người công đức đúc chuông, thuộc nhiều dòng họ của làng như: Lê, Trần, Phạm, Nguyễn, Đỗ, Vũ, Phùng, Hà, Vương.. Đây là một hiện vật quý còn lưu giữ, đánh dấu thời kỷ Vương Triều Tây Sơn, trong lịch sử Việt Nam 

     Hiện vật gỗ, có hoành phi, câu ở Thượng Điện, nhà Tổ, Phủ Mẫu đáng chú ý là bức đại tự cổ “Bảo Minh Điện” làm năm Nhâm Dần với nét chữ đặc sắc về mặt thư pháp. Bức "Pháp Môn Vô Lượng" của cụ Cử nhân Trần Lê Nhân, tác giả cổ học tinh hoa, người Bát Tràng cung tiến năm 1928. Cùng với đại tự, còn có 70 tượng Phật, thế kỷ XVII sơn thếp đẹp.

      Chính vì những giá trị lịch sử, văn hóa, mĩ thuật, đó, nên chùa Bát Tràng được UBND thành phố xếp hạng di tích lịch sử nghệ thuật ngày 30 tháng 7 năm 2002.

     Chùa Kim Trúc được trung tu tôn tạo, với nhiều văn vật cổ, kết hợp hài hòa với các sản phẩm mới, tài hoa của người thợ gốm Bát Tràng, các công trình của chùa tạo thành một tổng thể hợp lý và hoàn thiện. Vừa mang tính triết lý của Đạo Phật, vừa mang đặc thù riêng của một làng nghề gốm sứ truyền thống, một địa danh có bề dày văn hóa gần ngàn năm lịch sử.

Địa chỉ: Thôn 5, Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội

Bài viết khác

  • Chùa Kim Trúc làng Bát Tràng

    Chùa Kim Trúc xưa, là ngôi chùa chính ở cuối làng, thường gọi là chùa Bát, là một ngôi chùa to đẹp của vùng Kinh Bắc. Tên chùa được tạc trên phiến đá xanh lớn, còn lưu giữ được là "Kim Trúc Tự" nghĩa là "Chùa vàng nước Thiên Trúc"

  • Đền Mẫu

    Đền Mẫu Bát Tràng, thờ Mẫu Liễu Hạnh, một trong tứ bất tử, là tín ngưỡng bản địa của người Việt, và phối thờ Mẫu Bản Hương, người làng Bát Tràng.

  • Đình làng Bát Tràng

    Đình Bát Tràng bao gồm các công trình kiến trúc, được xây dựng để thờ Thành Hoàng, tín ngưỡng lâu đời của người Việt. Người Việt luôn tin vào sự chở che của Thành Hoàng cho cuộc sống của dân làng được an lành, hạnh phúc, quốc thái dân an.

  • Văn chỉ làng Bát Tràng

    Văn Chỉ là di tích lịch sử văn hóa, là nơi thờ Đức thánh học Tổ Khổng Phu Tử và các vị Trạng Nguyên, Tiến sỹ, các vị Tiên Nho, Tiên Hiền của làng Bát Tràng thời phong kiến.

  • Nhà in báo Độc Lập

    Nhà in báo Độc Lập là là di tích cách mạng kháng chiến đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận theo Quyết định số 5563/QĐ-UB, ngày 05/08/2005.