Tin tức & Sự kiện

Du lịch Bát Tràng

28/04

Mâm cỗ với món ăn tiến vua đặc biệt tại Bát Tràng

  • 2414
  • 0

Những ngày này, dân tình ở Hà Nội bắt đầu rủ nhau đi Bát Tràng thật nhiều. Khắp các group lớn nhỏ, người ta thi nhau khoe những hình ảnh "sống ảo" với bảo tàng gốm sứ. Và cũng đâu đó trên mạng xã hội, dân tình bắt đầu chia sẻ về một mâm cỗ đặc biệt mang "thương hiệu" Bát Tràng.

Thử tìm kiếm trên Google với từ khoá "cỗ Bát Tràng" thôi, đủ thấy những mỹ từ rất ấn tượng mà người ta dành cho nét văn hoá ẩm thực của vùng đất ven sông Hồng này. Nào là "ngon đứt lưỡi", rồi thì "ăn một lần, nhớ cả đời"... Và một điều quan trọng nữa, ấy là những hình ảnh quá đỗi hấp dẫn. Tất cả những điều đó ngay lập tức khiến người xem bị ấn tượng, và không thể nào kìm được mà xếp ngay một chuyến đi về Bát Tràng, để thưởng thức những món ăn mang tên thật đặc sắc: canh măng mực, chả tôm cuốn lá lốt hay mực xào su hào...

Nhắc đến Bát Tràng, ai cũng sẽ nghĩ ngay đến vùng đất gốm sứ đã nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc, thậm chí xuất khẩu đến cả những nước khác trên thế giới. Thế nhưng không chỉ có vậy, ở Bát Tràng đã và đang tiếp tục gìn giữ một nét văn hoá ẩm thực cổ truyền vô cùng đặc biệt: Đó là mâm cỗ Bát Tràng.
Ở Bát Tràng, vào những ngày Tết, giỗ chạp, người dân nơi đây đều sẽ làm mâm cỗ đặc biệt này. Mọi thứ đã trở nên quen thuộc như hơi thở, là điều mà bất cứ người con Bát Tràng nào cũng biết.

Một mâm cỗ Bát Tràng thường sẽ được làm theo "công thức" 8 bát 8 đĩa, hoặc 4 bát 4 đĩa... Con số có thể thay đổi tuỳ theo gia cảnh của mỗi nhà. Trong đó, nhất định không thể thiếu bát canh măng mực - món ăn đã làm nên "thương hiệu" của mảnh đất này. Vẫn mang "công thức" chung của một mâm cỗ miền Bắc, có các món như thịt gà, canh bóng, nem rán, đĩa xào, đĩa nộm... nhưng mâm cỗ Bát Tràng còn có thêm những món rất lạ khác như nem chim bồ câu, chả tôm cuốn lá lốt, mực xào su hào, có nhà còn làm bát chim bồ câu hầm... Toàn những món lạ lẫm, đa dạng, nhưng điểm chung là món nào cũng được làm rất cầu kỳ, tỉ mẩn và chỉn chu...


Người Bát Tràng tự hào với món ăn tiến vua được lưu truyền bao đời: Canh măng mực. Mâm cỗ Bát Tràng nổi tiếng khắp một vùng, "công" lớn có lẽ thuộc về bát canh măng mực. Theo lời kể của cô Phạm Thị Hoà - một nghệ nhân ẩm thực ở Bát Tràng, đó là món ăn đã làm nên niềm tự hào của người dân nơi đây. Từ thời xa xưa, khi đến sinh sống và làm ăn ở vùng đất Bát Tràng này, người dân đã sáng tạo nên một món canh vô cùng đặc biệt, mang sự hoà quyện giữa tinh hoa của đất và trời kết hợp lại.

Bát canh măng mực có măng lấy từ Tuyên Quang, có mực từ Thanh Hoá, tôm từ Nghệ An... Thứ từ trên rừng, thứ từ dưới biển, hoà quyện vào nhau một cách hài hoà và tạo nên hương vị rất đặc biệt. Nó tượng trưng cho câu chuyện tình của Lạc Long Quân và Âu Cơ, khi trời đất hoà làm một. Món ăn ấy được dâng lên vua, cả hương vị và ý nghĩa đã khiến nhà vua yêu thích, chọn ngay là 1 trong 18 món tiến vua, đứng đầu trong các món canh.

Để làm món canh măng mực này cũng rất mất thời gian, công sức. Người ta phải phơi khô măng, xé nhỏ. Đặc biệt, khi luộc măng sẽ phải luộc đi luộc lại 4 - 5 nước, thế mới khử hết mùi. Mực thì phải làm sạch, khử mùi bằng rượu và nước gừng, nướng lên, đập rồi cũng xé sợi, sau đó xào lên. Trong bát canh măng mực còn có tôm nõn phơi khô để tạo độ ngọt. Nước dùng là nước gà luộc, mang lại độ ngọt, thanh vừa đủ.
Ngày nay, món canh măng mực luôn là món quan trọng nhất và không thể thiếu trong mâm cỗ của người Bát Tràng, bất kể là dịp lễ Tết hay cưới hỏi. Khi có người thắc mắc về việc vì sao mọi người hay quan niệm ăn mực đầu năm là "đen", nhưng người Bát Tràng không như thế, cô Hoà - người nghệ nhân giữ lửa cho mâm cỗ Bát Tràng chỉ cười mà nói đùa lại rằng "con mực nó trắng ngần mà, có đen đâu". Dù chỉ là nói đùa thôi, nhưng nghe cũng thấy hợp lý vô cùng.

Bài viết khác

  • Mâm cỗ với món ăn tiến vua đặc biệt tại Bát Tràng

    Chỉ qua một mâm cỗ thôi cũng đủ thấy sự tinh tế trong ẩm thực của người dân Bát Tràng. Cỗ Bát Tràng ư? Một cái tên khá mới mẻ với nhiều người đúng không? Nhưng thật ra, nó lại rất quen thuộc với những người sành ăn và ưa tìm hiểu về ẩm thực Hà Nội.

  • Có một Bát Tràng sành ăn bên "hông" Hà Nội

    Với người Bát Tràng, một món ăn, chỉ cần nhìn vào màu sắc thôi cũng biết được độ lửa, tỷ lệ nước, và cả tâm can người nấu.

  • Những món ăn đặc trưng Bát Tràng

  • Bát Tràng áp dụng công nghệ mới phát triển “du lịch thông minh”

    Từ khi được công nhận là điểm du lịch làng nghề, để phát triển Bát Tràng trở thành điểm du lịch có tiêu chuẩn quốc tế, chính quyền và người dân Bát Tràng đang cùng nhau áp dụng công nghệ mới, đa dạng hơn các dịch vụ để thu hút nhiều hơn khách du lịch đến với làng nghề.

  • Những tác phẩm gốm sứ Bát Tràng khoe sắc tại Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc

    Những tác phẩm gốm sứ Bát Tràng kế thừa tinh hoa dân tộc, Hà Nội được giới thiệu tại Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc diễn ra tại Trung tâm văn hóa Phật giáo Tam Chúc (Hà Nam) sẽ trở thành cầu nối quảng bá văn hóa đến với bạn bè quốc tế.