Trải nghiệm & Mua sắm

Địa điểm tham quan

Văn chỉ làng Bát Tràng

  • 8276
  • 0

Bát Tràng - làng nghề, làng học, làng khoa bảng nên cùng với chùa, đình, đền, làng còn có văn chỉ. Văn chỉ Bát Tràng được khởi dựng từ khi lập làng. Thuở ban đầu, Văn chỉ là bàn thờ lộ thiên, không có mái. Trải qua thời gian, văn chỉ được lợp mái tranh tre, nứa lá, sau đó được dựng bằng gỗ tứ thiết (bốn loại gỗ quý). Dân làng Bát Tràng lý giải rằng, sở dĩ văn chỉ được lợp mái là vì làng có người đỗ Trạng nguyên (Trạng nguyên Giáp Hải).

Văn chỉ Bát Tràng thờ Khổng Tử, các học trò của Khổng Tử và Nho sinh làng Bát Tràng đỗ đạt. Lịch sử làng Bát Tràng còn lưu danh 364 vị đỗ đạt, trong số đó có tám vị Tiến sĩ và một vị Trạng nguyên.

Văn chỉ đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần vào các năm 1952, 1973, 1995. Kết quả của đợt trùng tu lớn vào năm 2011 - 2016 là sự hiện diện của văn chỉ hiện nay với kiến trúc kiểu chữ Nhị, gồm: Tiền tế và Hậu cung, mỗi tòa được kết cấu 3 gian 2 dĩ. Đặc biệt, Tam quan có kiến trúc kiểu “thượng gia hạ môn” (trên là nhà, dưới là cổng) như Khuê Văn Các thu nhỏ, phía trên có ba chữ Hán “Ngưỡng Di Cao” (nghĩa là trông lên vời vợi), nhắc nhở người làng rằng, đường học rộng và cao, phải luôn phấn đấu vươn lên trong học hành.

 

Văn chỉ hiện còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị như: bát hương, lọ hoa và nghiên mài mực bằng đá. Trong Văn chỉ có tấm bia đá không khắc chữ dựng trên lưng rùa. Người làng Bát Tràng lý giải rằng, việc dựng bia không khắc chữ là chủ ý của tiền nhân, tránh gây mâu thuẫn cho hậu thế trong việc công đức xây dựng các công trình tâm linh làng Bát Tràng.

Bên cạnh đó còn có nhiều hoành phi câu đối đề cao giá trị đạo đức, đối nhân xử thế theo khuôn vàng thước ngọc Nho gia như: 2 bức đại tự “Thiên Địa Đồng Lưu” (trời đất cùng luân chuyển) và “Hiếu Nghĩa Cấp Công” (có Hiếu, Nghĩa được ghi công) của vua Tự Đức ban thưởng vì làng Bát Tràng đã có công cung cấp gạch xây dựng kinh đô Huế và các lăng tẩm vua nhà Nguyễn; đôi câu đối ca ngợi thế đất, người tài được gắn trên Nghi môn đình:

“Ngũ hành tứ khí chung anh kiệt,

Vạn trượng văn quang biểu cát tường”

(Ngũ hành tụ lại sinh nhiều người tài giỏi,

Tiếng thơm văn hiến sáng vạn trượng xa).

Ngày nay, Văn chỉ Bát Tràng là nơi sinh hoạt cộng đồng, tổ chức lễ khen thưởng học sinh giỏi, ngày hội Thánh hiền khuyến học, khuyến tài, định kỳ vào ngày Thượng Đinh tháng 8 âm lịch hàng năm.

Địa chỉ: Thôn 2, Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội

Bài viết khác

  • Chùa Kim Trúc làng Bát Tràng

    Chùa Kim Trúc xưa, là ngôi chùa chính ở cuối làng, thường gọi là chùa Bát, là một ngôi chùa to đẹp của vùng Kinh Bắc. Tên chùa được tạc trên phiến đá xanh lớn, còn lưu giữ được là "Kim Trúc Tự" nghĩa là "Chùa vàng nước Thiên Trúc"

  • Đền Mẫu

    Đền Mẫu Bát Tràng, thờ Mẫu Liễu Hạnh, một trong tứ bất tử, là tín ngưỡng bản địa của người Việt, và phối thờ Mẫu Bản Hương, người làng Bát Tràng.

  • Đình làng Bát Tràng

    Đình Bát Tràng bao gồm các công trình kiến trúc, được xây dựng để thờ Thành Hoàng, tín ngưỡng lâu đời của người Việt. Người Việt luôn tin vào sự chở che của Thành Hoàng cho cuộc sống của dân làng được an lành, hạnh phúc, quốc thái dân an.

  • Văn chỉ làng Bát Tràng

    Văn Chỉ là di tích lịch sử văn hóa, là nơi thờ Đức thánh học Tổ Khổng Phu Tử và các vị Trạng Nguyên, Tiến sỹ, các vị Tiên Nho, Tiên Hiền của làng Bát Tràng thời phong kiến.

  • Nhà in báo Độc Lập

    Nhà in báo Độc Lập là là di tích cách mạng kháng chiến đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận theo Quyết định số 5563/QĐ-UB, ngày 05/08/2005.