Giới thiệu

Du lịch Bát Tràng

Giới thiệu

  • 9874
  • 0

Xã Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô 12km. Phía Bắc giáp xã Đông Dư, phía Nam giáp xã Xuân Quan (thuộc huyện Văn Giang, Hưng Yên), phía Đông giáp xã Đa Tốn, phía Tây giáp sông Hồng. Xã có tổng diện tích tự nhiên là 164,3 ha, với 2.296 hộ, 8.542 nhân khẩu. Được tổ chức thành 11 thôn trong 2 làng, với tên gọi truyền thống là làng Bát Tràng và làng Giang Cao. Năm 2009, Ủy ban nhân dân Thành phố công nhận danh hiệu "Làng nghề truyền thống Hà Nội" đó là: làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng và làng nghề truyền thống gốm sứ Giang Cao

       Bát Tràng là một làng cổ bên tả ngạn sông Hồng, có nghề gốm sứ cổ truyền nổi tiếng, với những sản phẩm tinh xảo, đáp ứng yêu cầu đời sống thường ngày, của các tầng lớp nhân dân lao động, giới thượng lưu, và vua quan triều đình. Sản phẩm gốm Bát Tràng xưa, từng được chọn làm đồ tiến cống và được thương nhân Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước phương Tây tìm mua. Làng Bát Tràng nổi tiếng cả nước không chỉ là làng nghề mà còn là làng Văn - làng Khoa Bảng, với 364 vi đỗ đạt thời Nho học, trong đó có 1 Trạng Nguyên, 8 Tiến Sỹ. Một số người nổi tiếng trên diện trường chính trị và trên văn đàn như: Trạng Nguyên Giáp Hải, các tiến sỹ Vương Thì Trung, Vũ Văn Tuấn; Các cử nhân Phạm Văn Bích, Trần Lê Nhân… Ở đồng bằng Bắc Bộ, đây là làng nghề thủ công duy nhất không gắn với sản xuất nông nghiệp, song lại thành đạt về học hành.

      Làng Bát Tràng có các di tích lịch sử văn hóa: Chùa Kim Trúc, Đền Mẫu Bản Hương, Đình, Văn Chỉ được xếp hạng. Nhà in báo Độc Lập, Nhà Bia tưởng niệm Bác Hồ, được gắn biển di cách mạng kháng chiến. Cùng với các nhà thờ họ, các ngôi nhà cổ được bảo tồn, các di tích lịch sử được dân làng đóng góp kinh phí, thường xuyên tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị gắn với văn hóa làng nghề.

      Làng Giang Cao tuy nghề gốm có muộn hơn, nhưng với đội ngũ nghệ nhân trẻ và giàu sức sáng tạo, họ đã cho ra đời nhiều sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Góp phần xây dựng các công trình lớn như: Con đường gốm sứ, Chùa Bái Đính, Chùa Tiêu Dao,... 

     Những năm gần đây với sự phát triển của cách mạng công nghệ, áp dụng khoa học kĩ thuật và cải tiến mẫu mã sản phẩm, gốm Bát Tràng đạt đến trình độ tinh xảo, trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch đến khám phá và trải nghiệm.