Du lịch Bát Tràng

Nghệ nhân

Nghệ nhân nhân dân Trần Độ

  • 1061
  • 0

Nghệ nhân Trần Văn Độ (thường gọi là Trần Độ), sinh năm 1957, là thế hệ thứ 18 dòng họ Trần, tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Lớn lên, người có hoa tay của đất tự nguyện theo nghề cha ông. Năm 1975, Trần Độ vào làm công nhân Xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng. Sau 5 năm làm việc, năm 1980, ông nhập ngũ. Năm 1982, ra quân, ông trở về cơ quan cũ. Bảy năm sau, năm 1989, ông quyết định mở lò sản xuất gốm .

Vào nghề làm gốm từ năm 10 tuổi, cho đến nay người tiên phong khôi phục men gốm cổ đã giành nhiều giải thưởng quí giá như Huy chương “Bàn tay vàng” do Liên hiệp HTX Thủ công nghiệp Trung ương tặng năm 1990; Giải thưởng Đôi bàn tay vàng của Hội Mỹ thuật Đông Dương (1999). Giải thưởng Hà Nội vàng do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cùng ban tổ chức Hội chợ Doanh nghiệp VN hướng tới 1000 năm Thăng Long – Hà Nội phong tặng (2002); Giải vàng Ngôi sao Việt Nam (Hội Mĩ thuật Việt Nam) (2002).

Với niềm đam mê với gốm, sản phẩm của Trần Độ hội tụ được nhiều nét dáng của các dòng gốm cổ Việt Nam trong các thế kỷ trước đây. Ông chăm chỉ chiêm ngẫm nhiều mẫu dáng gốm trưng bày trong các bảo tàng hay trong các sưu tập gốm nổi tiếng của bè bạn, tiếp xúc học hỏi với các chuyên gia nghiên cứu gốm đầu ngành và cần mẫn tìm hiểu về những hoa văn, những màu men cổ. Cũng vì thế, gốm Trần Độ sẽ thấy bóng dáng của gốm men ngọc thời Lý, gốm hoa nâu thời Trần, gốm hoa lam thời Lê và gốm men rạn thời Lê – Nguyễn, như là một “đặc sản” chỉ có riêng của gốm Bát Tràng.

Gần 50 năm làm nghề, điều Trần Độ tự hào nhất không phải là gốm Trần Độ, mà gốm Bát Tràng được đại diện cho Việt Nam làm quà tặng cho nhiều chính khách. Trong đó có quà lưu niệm tặng các nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị cấp cao ASEM5 năm 2004, Hội nghị cấp cao APEC 2006 đều tổ chức tại Hà Nội…

Bên cạnh đó là những lần được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tin tưởng đặt hàng làm những sản phẩm dành tặng các chính khách trong những chuyến công du. Đó là một vinh dự lớn lao cho riêng cá nhân Trần Độ, nhưng ông cũng nghĩ rằng, ông cũng đang góp sức lực của mình để đưa thương hiệu gốm Bát Tràng bay xa.

Ông tâm sự: “Điều này không chỉ tôi đâu, mà nhiều người dân Bát Tràng đều mong mỏi, đó là có một bảo tàng gốm sứ. Đây sẽ là nơi trưng bày những sản phẩm tinh hoa của Bát Tràng, chứa đựng giá trị văn hóa của các triều đại Việt Nam, để các thế hệ sau cũng như du khách có cơ hội được thưởng lãm”.

“Đất – lửa – men chiêu hồn quá khứ

Chí – tâm – tài gợi dấu thời gian”

Bài viết khác

  • Nghệ nhân Nguyễn Văn Bình

    Là người con của làng gốm Bát Tràng, xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm), làm quen với đất sét, bàn xoay từ rất sớm, nhưng để tìm cho mình một lối đi riêng, nghệ nhân Nguyễn Văn Bình (sinh năm 1953) đã chọn gắn bó với gốm nghệ thuật và điêu khắc hội họa. Gần 40 năm miệt mài với điêu khắc nghệ thuật, nghệ nhân Nguyễn Văn Bình đã khẳng định tài năng bằng nhiều tác phẩm được công chúng yêu mến, ngưỡng mộ.

  • Nghệ nhân Trần Hợp

    Nếu nhắc đến các nghệ nhân ở Bát Tràng mà không nhắc đến Trần Hợp thì quả là một thiếu sót lớn. Ông nổi tiếng với hai nước men là Huyết dụ và Kết tinh, người sáng tạo ra những sản phẩm gốm sứ đẹp, đầy tính thẩm mỹ.

  • Nghệ nhân Nguyễn Lợi và nghệ nhân Phạm Thị Châu

    Thế gian nhiều người tổ chức đám cưới vàng, hôn lễ bạc, nhưng với vợ chồng nghệ nhân gốm làng Bát Tràng Nguyễn Lợi - Phạm Minh Châu, ghi dấu 30 năm sống cùng nhau là “đám cưới gốm”

  • Nghệ nhân Lê Minh Châu

    Lê Minh Châu là một trong những nghệ nhân Bát Tràng chuyên sâu về những bình lọ hoa những cỡ. Đặt biệt, sau này con trai của ông là Lê Minh Ngọc đã cho thành lập chiếc độc bình cao nhất Việt Nam với chiều cao 3.2m. Dòng bình này đã được tham gia trưng bày ở nhiều triển lãm gốm và ghi vào sách kỷ lục Việt Nam.

  • Nghệ nhân Nguyễn Văn Hưng

    Chọn cho mình một lối đi riêng vừa khó khăn, vừa mạo hiểm nhưng với tài năng, sự quyết tâm, lòng nhiệt huyết, niềm đam mê anh đã chạm được đỉnh cao vinh quang của sự thành công trong nghề gốm sứ. Người tôi muốn nhắc đến đó là Nghệ nhân Nguyễn Văn Hưng ở số 141, thôn 5, Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội.