Du lịch Bát Tràng

Nghệ nhân

Nghệ nhân ưu tú Vũ Đức Thắng

  • 1121
  • 0

Tốt nghiệp Khoa Đồ họa - Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội năm 1980, nghệ nhân Vũ Đức Thắng nổi tiếng trong làng gốm Bát Tràng bởi tài đắp nổi, khắc hoa văn trên gốm. Với nhiều tác phẩm ghi dấu ấn trong lịch sử đương đại của làng nghề, ông đã giành được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Cửa hàng giới thiệu sản phẩm và cơ sở sản xuất của gia đình ông được Cục Di sản (Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch) công nhận là một trong ba điểm đến hấp dẫn dành cho du khách khi đến thăm làng gốm Bát Tràng.

Nghệ nhân Vũ Đức Thắng không chỉ nổi tiếng trong làng gốm Bát Tràng mà còn trong giới nghệ thuật ở Hà Nội. Ông luôn tìm tòi, sáng tạo, chắt lọc bí quyết kỹ thuật làm nghề truyền thống hòa với phong cách mỹ thuật, tạo hình hiện đại, mang đến những sản phẩm có mang đậm bản sắc riêng với tính nghệ thuật cao.
Tài năng của ông phải kể đến kỹ năng khắc chìm, đắp nổi trên gốm và kỹ thuật phủ men chồng màu.
Năm 2003, nghệ nhân Vũ Đức Thắng được UBND TP.Hà Nội phong tặng Nghệ nhân cấp thành phố. Năm 2010, ông được phong tặng Nghệ nhân cấp quốc gia – Nghệ nhân Ưu tú – danh hiệu lần đầu tiên trong ngành Thủ công nghệ.

Cũng trong năm 2010, vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, làng gốm Bát Tràng được thành phố chọn để mở Triển lãm gốm 1000 năm với 1000 sản phẩm đặc trưng qua các thời kỳ, trong đó có tâm sức đáng kể của nghệ nhân ưu tú Vũ Đức Thắng cùng 100 sản phẩm do lò gốm của ông sản xuất.

Cuối năm 2011, khi Tạp chí Đẹp tổ chức chương trình Đẹp Fashion Show 10, ê – kíp sản xuất đã ngỏ ý với nghệ nhân Vũ Đức Thắng mong muốn có một sản phẩm độc đáo bằng gốm để trưng bày. Với lòng yêu nghệ thuật cũng như sự tâm huyết, nghệ nhân Vũ Đức Thắng đã sáng tạo nên những tác phẩm tuyệt vời – đó là 10 đôi giày kết hợp hình dáng của đôi bốt thời trang vào chất liệu gốm Bát Tràng.
Đầu năm 2016, nghệ nhân ưu tú Vũ Đức Thắng đã được UBND TP.Hà Nội cấp giấy phép thành lập Bảo tàng Gốm tư nhân đầu tiên tại Việt Nam. Đây được xem là bảo tàng gốm Việt có quy mô lớn và đang được xây dựng trong khuôn viên của gia đình ông ở Bát Tràng. Chia sẻ về tâm nguyện mở bảo tàng này, nghệ nhân Vũ Đức Thắng cho biết, ông xin thành phố cho phép lập bảo tàng không vì mục đích thương mại mà đơn giản, chỉ để thỏa nguyện ước vọng lưu giữ những giá trị truyền thống của gốm Việt.

Chiều ngày 5/10/2016, nghệ nhân Ưu tú Vũ Đức Thắng đột ngột ra đi ở tuổi 62, khi bảo tàng gốm đang trong quá trình hoàn thiện, để lại niềm tiếc thương, đau xót vô hạn với gia đình và những người yêu gốm Việt.

Bài viết khác

  • Nghệ nhân Nguyễn Văn Bình

    Là người con của làng gốm Bát Tràng, xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm), làm quen với đất sét, bàn xoay từ rất sớm, nhưng để tìm cho mình một lối đi riêng, nghệ nhân Nguyễn Văn Bình (sinh năm 1953) đã chọn gắn bó với gốm nghệ thuật và điêu khắc hội họa. Gần 40 năm miệt mài với điêu khắc nghệ thuật, nghệ nhân Nguyễn Văn Bình đã khẳng định tài năng bằng nhiều tác phẩm được công chúng yêu mến, ngưỡng mộ.

  • Nghệ nhân Trần Hợp

    Nếu nhắc đến các nghệ nhân ở Bát Tràng mà không nhắc đến Trần Hợp thì quả là một thiếu sót lớn. Ông nổi tiếng với hai nước men là Huyết dụ và Kết tinh, người sáng tạo ra những sản phẩm gốm sứ đẹp, đầy tính thẩm mỹ.

  • Nghệ nhân Nguyễn Lợi và nghệ nhân Phạm Thị Châu

    Thế gian nhiều người tổ chức đám cưới vàng, hôn lễ bạc, nhưng với vợ chồng nghệ nhân gốm làng Bát Tràng Nguyễn Lợi - Phạm Minh Châu, ghi dấu 30 năm sống cùng nhau là “đám cưới gốm”

  • Nghệ nhân Lê Minh Châu

    Lê Minh Châu là một trong những nghệ nhân Bát Tràng chuyên sâu về những bình lọ hoa những cỡ. Đặt biệt, sau này con trai của ông là Lê Minh Ngọc đã cho thành lập chiếc độc bình cao nhất Việt Nam với chiều cao 3.2m. Dòng bình này đã được tham gia trưng bày ở nhiều triển lãm gốm và ghi vào sách kỷ lục Việt Nam.

  • Nghệ nhân Nguyễn Văn Hưng

    Chọn cho mình một lối đi riêng vừa khó khăn, vừa mạo hiểm nhưng với tài năng, sự quyết tâm, lòng nhiệt huyết, niềm đam mê anh đã chạm được đỉnh cao vinh quang của sự thành công trong nghề gốm sứ. Người tôi muốn nhắc đến đó là Nghệ nhân Nguyễn Văn Hưng ở số 141, thôn 5, Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội.