Tin tức & Sự kiện

Du lịch Bát Tràng

28/04

Những món ăn đặc trưng Bát Tràng

  • 2313
  • 0

Giới thiệu về ẩm thực Bát Tràng, Bí thư xã Phạm Huy Khôi cho biết ngoài sản xuất và làm thương mại về gốm sứ thì Bát Tràng còn rất nhiều khai thác để phát triển du lịch, trong đó có ẩm thực. Từ xa xưa phụ nữ Bát Tràng đã rất đảm đang để tạo ra được những món ăn đặc trưng của Bát Tràng với những nghệ nhân như Nguyễn Thị Lâm, Phạm Thị Diệu Hoài… là những người đang bảo tồn, giữ gìn nguyên vẹn hương vị truyền thống của những món ngon của Bát Tràng.

Nghệ nhân Phạm Thị Diệu Hoài cho biết, để có thêm dịch vụ phục vụ khách du lịch và thu hút hơn khách về nơi đây, địa phương vận động người dân làm du lịch cộng đồng. Chính vì vậy chị mượn ngôi nhà cổ 300 năm tuổi mở không gian phục vụ cho khách du lịch đến Bát Tràng muốn nếm thử các món ẩm thực.

Mâm cỗ của Bát Tràng cũng đã dạng như cỗ của người Hà Nội, gồm 6 bát, 8 đĩa hoặc 4 bát, 6 đĩa gồm các: Giò, chả, nem rán, thịt gà, chim quay, canh măng chân giò, canh bóng thịt thăn, bánh chưng, su hào xào mực … và đặc biệt mâm cỗ tại đây giờ không thể thiếu món canh măng mực, được coi là món nhận diện trong mâm cỗ truyền thống tại Bát Tràng.

Chị Diệu Hoài chia sẻ, cầu kỳ nhất là làm món măng mực, chọn măng loại ngon, ngâm, luộc nhiều lần cho kỹ. Chọn măng thanh bì bởi nó giòn, không bị nát, mà khi tước ra, dễ ngấm các loại gia vị. Ngâm, luộc xong, người Bát Tràng sẽ dùng dao nạo hết phần thừa của miếng măng, cho hai mặt phẳng như nhau. Tiếp đó, người ta tước nhỏ măng, để chuẩn vị Bát Tràng, người đầu bếp sẽ tước măng bằng… kim băng bởi tước càng nhỏ, sẽ càng ngon, càng dễ ngấm gia vị. Tước măng xong lại phơi khô để dùng dần. Trước khi nấu, phải luộc lại bằng nước mưa cho ngọt, rồi vắt ráo. Mực ngon phải chọn loại của Thanh Hóa, Nghệ An, loại cho nước ngọt nhất. Mực được tẩy bằng nước gừng, rượu trắng, tiếp đó lại nướng lên, rồi tước nhỏ ra. Nước dùng được ninh kỹ tôm và xương, chỉ lấy phần nước. Măng đã vắt được cho vào xào với mực, xào kỹ, xong mới đun lên với nước dùng.

“Nấu các món ăn truyền thống của làng phải là sự say mê”, chị Diệu Hoài chi sẻ. Chính vì thế mà với du khách đã một lần được ăn cỗ Bát Tràng cứ nhớ mãi những món ăn cổ truyền được chế biến bởi tâm huyết của những nghệ nhân ẩm thực nơi đây.

Quả thật tinh hoa của Bát Tràng không chỉ có trong những sản phẩm gốm sứ nức tiếng mà còn xuất hiện trong những món ăn đặc trưng nơi đây.

Bài viết khác

  • Mâm cỗ với món ăn tiến vua đặc biệt tại Bát Tràng

    Chỉ qua một mâm cỗ thôi cũng đủ thấy sự tinh tế trong ẩm thực của người dân Bát Tràng. Cỗ Bát Tràng ư? Một cái tên khá mới mẻ với nhiều người đúng không? Nhưng thật ra, nó lại rất quen thuộc với những người sành ăn và ưa tìm hiểu về ẩm thực Hà Nội.

  • Có một Bát Tràng sành ăn bên "hông" Hà Nội

    Với người Bát Tràng, một món ăn, chỉ cần nhìn vào màu sắc thôi cũng biết được độ lửa, tỷ lệ nước, và cả tâm can người nấu.

  • Những món ăn đặc trưng Bát Tràng

  • Bát Tràng áp dụng công nghệ mới phát triển “du lịch thông minh”

    Từ khi được công nhận là điểm du lịch làng nghề, để phát triển Bát Tràng trở thành điểm du lịch có tiêu chuẩn quốc tế, chính quyền và người dân Bát Tràng đang cùng nhau áp dụng công nghệ mới, đa dạng hơn các dịch vụ để thu hút nhiều hơn khách du lịch đến với làng nghề.

  • Những tác phẩm gốm sứ Bát Tràng khoe sắc tại Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc

    Những tác phẩm gốm sứ Bát Tràng kế thừa tinh hoa dân tộc, Hà Nội được giới thiệu tại Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc diễn ra tại Trung tâm văn hóa Phật giáo Tam Chúc (Hà Nam) sẽ trở thành cầu nối quảng bá văn hóa đến với bạn bè quốc tế.