Trải nghiệm & Mua sắm

Địa điểm tham quan

Đình làng Bát Tràng

  • 7535
  • 0

Đình Bát Tràng bao gồm các công trình kiến trúc, được xây dựng để thờ Thành Hoàng, tín ngưỡng lâu đời của người Việt. Người Việt luôn tin vào sự chở che của Thành Hoàng cho cuộc sống của dân làng được an lành, hạnh phúc, quốc thái dân an.

    Đình làng Bát Tràng tọa lạc bên dòng sông Cái, lấy Hồng Hà làm hồ, trước mặt là núi Ngũ Nhạc, xa xa là Tản viên sơn thánh, phía Tây Bắc là Thăng Long, hồn thiêng Đại Việt, phía Nam có mỏm Hàm Rồng (Tả Thanh Long), phía Bắc có gò Kim Quy (Hữu Bạch Hổ). Thật là nơi đắc địa để khơi nền văn hiến và trấn hưng nghiệp gốm đến muôn đời sau.

     Đình làng Bát Tràng thờ lục vị Thành Hoàng:

                             "... Ơn Thần Hoàng sáu vị chở che

                                  Đời dân chúng một vùng trù phú..."

(Minh văn trên chuông Đình do giáo sư, AHLĐ Vũ Khiêu soạn, tặng dân làng năm 1999)

    Đình phụng thờ 3 vị thiên thần và 3 vị nhân thần. Trong đó có Đức Uy Dương Bạch Mã Đại Vương, Thượng Đẳng Thần, là Thành Hoàng của kinh thành Thăng Long, đền thờ Thần ở phố hàng Buồm, một trong Tứ Trấn của Đại La - Thăng Long. Đình Bát Tràng còn lưu giữ nguyên vẹn 44 đạo sắc phong của các vương triều phong kiến: Lê Trung Hưng, Tây Sơn, Nguyễn...phong thánh cho Thành Hoàng làng. Năm 1925 Viện Đông Bác Cổ, xếp hạng di tích, đồng bảo tồn Thần Phả và bản vẽ thiết kế của Đình. Năm 2002, UBND Thành phố Hà Nội đã xếp hạng, Đình Bát Tràng là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật. Trong tòa Đại Đình còn lưu giữ nhiều câu đối, đại tự phản ánh những giá trị văn hóa, lịch sử, đời sống làng xã từ xưa, qua đó hiểu được nghề gốm cùng lich sử làng.

                Bồ di thủ nghệ, khai đình vũ.

                Lan nhiệt tâm hương, bái thánh thần.

(mang nghề từ làng Bồ ra, xây đình dựng miếu. lòng dân tựa hương lan, dâng cúng thánh thần.)

                   " Bạch Bát chân truyền nê tác bảo

                     Hồng Lô đào chú thổ thành kim "

  

                       (Từ Bạch Bát nghề được lưu truyền, biến bùn thành của quý

                             Qua tôi luyện trong lửa đất hóa thành vàng)

     Đặc biệt có bức đại tự với hàng chữ "Hiếu nghĩa cấp công" do Vua Tự Đức ban thưởng năm 1860, ghi nhận công sức của dân làng, cung tiến gạch Bát Tràng xây dựng kinh thành, lăng tẩm Huế. Đình Bát Tràng cũng là chứng nhân Lễ kéo cờ đỏ sao vàng mừng Cách mạng tháng tám năm 1945 thành công, là nơi tổ chức tuần lễ vàng ủng hộ Chính phủ Cụ Hồ, khắc ghi chiến tích oanh liệt của liệt sĩ Phạm Văn Hơn người con Bát Tràng kiên cường bất khuất. Sau nhiều lần trùng tu, Đình Bát Tràng giờ đây uy linh bền vững, gìn giữ mạch thiêng dâng cúng tạ ơn Bách Thánh Tôn Thần và các bậc tiền nhân với ước nguyện: Bạch Thổ - Bát Tràng ngàn đời phát tích, truyền thống văn hóa lịch sử của làng nghề, làng võ, làng văn muôn thuở thăng hoa, chung đúc nên hồn thiêng Đại Việt và hào khí ngàn năm của Đại La - Thăng Long - Hà Nội. Trường tồn hưng thịnh mãi đến tương lai.

Địa chỉ: Thôn 1, Bát Tràng, Hà Nội

Bài viết khác

  • Chùa Kim Trúc làng Bát Tràng

    Chùa Kim Trúc xưa, là ngôi chùa chính ở cuối làng, thường gọi là chùa Bát, là một ngôi chùa to đẹp của vùng Kinh Bắc. Tên chùa được tạc trên phiến đá xanh lớn, còn lưu giữ được là "Kim Trúc Tự" nghĩa là "Chùa vàng nước Thiên Trúc"

  • Đền Mẫu

    Đền Mẫu Bát Tràng, thờ Mẫu Liễu Hạnh, một trong tứ bất tử, là tín ngưỡng bản địa của người Việt, và phối thờ Mẫu Bản Hương, người làng Bát Tràng.

  • Đình làng Bát Tràng

    Đình Bát Tràng bao gồm các công trình kiến trúc, được xây dựng để thờ Thành Hoàng, tín ngưỡng lâu đời của người Việt. Người Việt luôn tin vào sự chở che của Thành Hoàng cho cuộc sống của dân làng được an lành, hạnh phúc, quốc thái dân an.

  • Văn chỉ làng Bát Tràng

    Văn Chỉ là di tích lịch sử văn hóa, là nơi thờ Đức thánh học Tổ Khổng Phu Tử và các vị Trạng Nguyên, Tiến sỹ, các vị Tiên Nho, Tiên Hiền của làng Bát Tràng thời phong kiến.

  • Nhà in báo Độc Lập

    Nhà in báo Độc Lập là là di tích cách mạng kháng chiến đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận theo Quyết định số 5563/QĐ-UB, ngày 05/08/2005.